Chuyên Đề 5 Kỳ 1: PHÒNG TRỪ SINH VẬT HẠI TRÊN SẦU RIÊNG

Sinh vật gây hại cây sầu riêng
Tác giả: Thạc sĩ BVTV Nguyễn Văn Đức Tiến

Trong chuyên đề này bao gồm nhiều vấn đề thuộc về tổng quan và chi tiết cho từng đối tượng gây hại. Do đó chúng ta cùng nghiên cứu lần lượt từng đối tượng sinh vật hại phổ biến trên cây sầu riêng (SR).

Tổng quan về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

Để phòng trừ sinh vật hại sầu riêng có hiệu quả cần quan tâm thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng sau:

Đúng thuốc: Cần sử dụng nhóm thuốc có gốc sinh học để bảo vệ môi trường và thiên địch, tránh sự kháng thuốc và nên kết hợp với dầu khoáng để tăng sự bám dính và trải đều của thuốc.

– Đúng liều, lượng: Cần pha đúng theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất và lượng nước đủ để phun cho vườn cây. Thực tiễn sản xuất cho thấy lượng phun hợp lý phải từ 10-20 lít/cây/lần phun đối với cây đã cho trái và tùy cây có tán lớn nhỏ.

– Đúng lúc: Thời điểm phun tốt nhất là khi cây vừa nhú đọt non và cần phun lặp lại sau đó 7-10 ngày để tiêu diệt lứa côn trùng còn sót lại (nếu còn) và nên phun vào buổi chiều để tăng hiệu lực của thuốc. Sau khi bung lá lụa cần phun phòng các loại bệnh trên lá như thán thư, cháy lá chết ngọn…

– Đúng cách: Phải biết điều chỉnh béc phun phù hợp theo từng vị trí của cây cao, thấp, trong hay ngoài tán để có hình thức phun mưa, phun sương hay phun dạng khói… 

Tổng quan về nhóm sinh vật gây hại phổ biến ở giai đoạn cây con:

1. Rầy phấn(Allocaridara malayensis Crawford)

Rầy phấn (con trưởng thành còn gọi là rầy xanh) có vòng đời trải qua 3 giai đoạn có hình thái khác nhau gồm trứng, con non và con trưởng thành.

Trứng rầy có màu vàng nhạt, hình bầu dục và kích thước rất nhỏ, khoảng 1 mm. Rầy đẻ thành từng ổ, với khoảng 12 đến 14 trứng. Rầy thường đẻ vào bên trong “lưỡi giáo”, vì thế trứng rầy được bảo vệ rất tốt và tỷ lệ nở cao.

Con non mới nở có màu vàng nhạt, sau đó bắt đầu xuất hiện lớp sáp trắng trên bề mặt cơ thể và dần mọc ra các sợi đuôi sáp dài. Giai đoạn này cũng là giai đoạn dễ phát hiện nhất vì rầy có màu trắng tương phản với màu lá và di chuyển nhanh khi có tác động vào.

Rầy trưởng thành có chiều dài lên đến 3 – 4 mm, cơ thể có màu nâu xanh và bộ cánh trong suốt (vì thế nên thường gọi là rầy xanh).

Cách gây hại: Đây là đối tượng gây hại rất quan trọng trên cây sầu riêng, trưởng thành và ấu trùng thường sống ở mặt dưới lá và chích hút các lá non, lá bị hại thường có những chấm vàng, khi bị hại nặng lá thường khô, cong lại và rụng hàng loạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa, đậu trái của cây. Ngoài ra, rầy còn tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện để nấm bồ hóng phát triển. Rầy phát triển mạnh vào các tháng nắng.

Phòng trị: Khi lá non vừa ra, thường xuyên phun nước để làm giảm mật số trưởng thành của ấu trùng, điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để dễ trừ rầy. Khi mật độ rầy cao dùng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: fenobucarb, dimethoate, cypermethrin để phun.

 2. Nhện đỏ(Eutetranychus sp.)

Nhện đỏ hại sầu riêng đang là nỗi lo của rất nhiều nhà vườn trên cả nước. Nhện đỏ xuất hiện chủ yếu vào mùa khô. Khi nhiệt độ tăng cao, thời tiết nóng ẩm là lúc nhện đỏ phát triển nhiều nhất.

Nhện đỏ có hình oval dẹp màu đỏ đến đỏ nâu. Kích thước của con trưởng thành rất nhỏ khoảng 0.3 – 0.4mm, toàn thân phủ lớp lông trắng lưa thưa.

Vòng đời của nhện đỏ ngắn nên phát triển rất nhanh về số lượng, một cá thể nhện sống 6-7 ngày. Nhện đẻ từng trứng rải rác trên mặt lá, trứng nhện hình tròn màu đỏ.

Trong thời tiết điều kiện càng nóng ẩm, số lượng nhện tăng lên rất nhanh có thể thành dịch hại.

Cách gây hại: Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm ở vùng nhiệt đới, khả năng sinh sản cao, vòng đời ngắn, gây hại bằng cách ăn biểu bì mặt lá tạo thành những chấm trắng li ti và tiết độc tố. Nhện đỏ gây hại khiến lá sầu riêng bị bạc màu, mất hết diệp lục chuyển sang màu vàng, như là bị bụi. Lá bị hại nặng có màu trắng bạc, dễ bị rụng, cây còi cọc sinh trưởng kém.

Phòng trị: Nhện đỏ rất sợ nước, vì nó không có khả năng bám dính. Phun nước lên lá sẽ giúp rửa trôi nhện đỏ. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng có thể làm giảm mật độ nhện, đồng thời tạo điều kiện cho thiên địch có lợi phát triển. Khi mật độ cao dùng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: hexythiazox, propargite, dicofol để phun.

3. Bệnh cháy lá:

a) Bệnh thán thư (do nấm Colletotrichum Zibethinum)

Triệu chứng: bệnh này khá phổ biến trên cây sầu riêng, vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá hay từ chóp lá lan dần vào trong phần phiến lá có màu nâu đậm. Vết bệnh điển hình là để lại các đường viền hình tròn có màu nâu đậm dọc hai gân chính. Thường bệnh xuất hiện trên cây kém phát triển, nhất là trong mùa nắng hay sau khi thu hoạch. Bệnh thán thư thường chỉ xuất hiện trên lá già.

Phòng trị:

+ Cắt bỏ đem tiêu hủy lá bệnh

+ Bón phân, tưới nước đầy đủ.

+ Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất: metalaxyl 8% + mancozeb 64%, propineb, carbendazim,… để phun trừ.

b) Bệnh cháy lá chết ngọn (do nấm Rhizoctonia sp):

Triệu chứng: Đây là nấm gây bệnh khá quan trọng cho cây sầu riêng ở cả giai đoạn vườn ươm và cây trưởng thành. Vết bệnh xuất hiện ban đầu là những đốm màu nâu sũng nước, sau đó lan rộng dọc theo hai mép lá làm cho lá không phát triển được và co dúm lại cuối cùng lá khô và rụng, cành non cũng khô dần và chết cả cây. Trên cây trưởng thành bị nhiễm làm lá non bị khô và rụng; chết ngọn, cành và nhánh nhỏ, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất. Thường bệnh xuất hiện và phát triển mạnh trong mùa mưa.

Phòng trị:

+ Thoát nước vườn ươm tốt, không quá rậm rạp.

+ Không đặt cây con dưới tán cây lớn.

+ Thu dọn, tiêu hủy (các phần cây bị bệnh, tránh lây lan).

+ Tỉa cành tạo tán thông thoáng.

+ Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất như: hexaconazole, difenoconazole 150g/l + propiconazole 150g/l, carbendazim,….để phun trừ.

Share:

More Posts

xoai

CÁC GIỐNG XOÀI TRỒNG PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM 2

Thạc sĩ BVTV Nguyễn Ngọc Liên Cộng tác viên Kỹ thuật Cty CP Đồng Xanh Xoài (tên khoa học là Mangifera indica L.) là một trong những loài cây ăn quả nhiệt đới quan trọng ở nước ta, được trồng phổ biến ở nhiều vùng trên cả nước để lấy quả, gỗ, làm bóng mát,

xoai

CÁC GIỐNG XOÀI TRỒNG PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM

Thạc sĩ BVTV Nguyễn Ngọc Liên Cộng tác viên Kỹ thuật Cty CP Đồng Xanh Xoài (tên khoa học là Mangifera indica L.) là một trong những loài cây ăn quả nhiệt đới quan trọng ở nước ta, được trồng phổ biến ở nhiều vùng trên cả nước để lấy quả, gỗ, làm bóng mát,

Test Xoài GPNN

Vào tháng 12-1 hàng năm (đối với vùng trồng miền Tây, các vùng khác thì trễ hơn 1-2 tháng) là thời kỳ cây sầu riêng phân hóa mầm hoa (ra mắt cua). Nếu thời điểm này cây phân hóa mầm hoa ít hoặc chưa phân hóa mầm hoa thì phải dọn sạch cỏ rác trong

Chuyên đề 6: CHĂM SÓC SẦU RIÊNG RA HOA

Tác giả: Thạc sĩ BVTV Nguyễn Văn Đức Tiến Tổng quan về thời vụ ra hoa chính vụ (thuận vụ): – Tùy vào điều kiện khí hậu vùng miền và phương pháp trồng mà thời gian bắt đầu giai đoạn cho trái và mùa cho trái sẽ sớm muộn khác nhau. Thường thì nhà vườn

Scroll to Top