Tác giả: Thạc sĩ BVTV Nguyễn Văn Đức Tiến
Trong kỳ 1 của chuyên đề này, chúng tôi đã giới thiệu những nguyên lý cơ bản trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhận dạng các loại sinh vật hại phổ biến và nguy hiểm gây hại trên sầu riêng giai đoạn cây còn nhỏ là rầy phấn, nhện đỏ, bệnh cháy lá khô cành.
Trong kỳ 2 của chuyên đề này, ngoài bệnh cháy lá khô cành thường tấn công suốt quá trình phát triển của cây sầu riêng (như đã đề cập ở kỳ 1), chúng ta sẽ cùng tìm hiểu và nhận dạng lần lượt từng đối tượng gây hại phổ biến trên cây sầu riêng từ 1-2 năm trở lên như bệnh vàng lá thối rễ, bệnh nứt thân xì mủ, bệnh đốm lá, bệnh thán thư, bệnh thối trái, bệnh đốm rong và sâu đục trái.
- Bệnh vàng lá thối rễ do nấm Pythium complectens
Thường xuất hiện trên vườn sầu riêng khó thoát nước. Có nhiều tác nhân gây bệnh do nấm Fusarium sp., Phytophthora sp. hay Pythium sp. nhưng phổ biến là do nấm Pythium complectens
Bệnh vàng lá thối rễ làm cho cây sầu riêng bị thối rễ phụ, vỏ rễ tuột ra và rễ lớn bị thâm đen hoặc thối ngang cổ rễ tùy theo mức độ bệnh và loài nấm tấn công. Bệnh nhẹ thì chỉ làm cây vàng lá, sinh trưởng kém, giảm năng suất và chất lượng trái. Tuy nhiên, khi bệnh nặng sẽ làm thối cả bộ rễ, chết cả cây và lây lan các vườn khác, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Nấm bệnh hại rễ tồn tại trong đất qua một thời gian dài (kể cả điều kiện không có ký chủ) và nguồn bệnh trong đất tăng dần qua nhiều năm. Chúng có thể lan truyền theo nước tưới, đất do động vật và người mang hoặc cây giống nhiễm bệnh.
Nấm phát triển từ chóp rễ và lan vào rễ chính làm thối rễ. Triệu chứng đầu tiên là các lá chuyển vàng và rụng sớm, bệnh nặng làm các nhánh non chết dần, sau đó chết cả cây, có nhiều cây khi chết chỉ còn trơ cành.
Khi phát hiện lá vàng rụng sớm cần xới gốc quan sát để xử lý kịp thời.
Đối với những vườn có thành phần sét nhiều nhưng ít bón phân hữu cơ nên đất bị nén chặt, vườn bị oi nước trong mùa mưa, trong khi mùa nắng đất lại dễ bị khô nứt làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ thống rễ và tạo điều kiện cho các loài nấm hại trong đất phát triển và tấn công rễ. Vườn không bón vôi cho đất cũng là điều kiện giúp bệnh phát triển và gây hại nặng.
- Bệnh nứt thân xì mủ do nấm Phytophthora
Nứt thân xì mủ là bệnh hại do nấm Phytophthora sp. gây ra. Chúng tồn tại trong đất, gây hại trên sầu riêng ở mọi giai đoạn từ lúc ươm đến khi trưởng thành, đặc biệt là vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh. Chúng gây bệnh trên hầu hết các bộ phận rễ, thân, lá, hoa và quả.
Nấm Phytophthora sp. phát triển mạnh trong điều kiện hố trồng thấp nên gốc luôn bị ẩm, cành thấp gần mặt đất, vườn trồng dày bị rợp bóng, hệ thống thoát nước kém, bón phân thừa đạm… Nếu không kiểm tra vườn thường xuyên, không phát hiện bệnh kịp thời sẽ khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Triệu chứng bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng:
-Ở rễ: Rễ non bị thối có màu nâu đen, rễ chết dần làm cây phát triển chậm, sau đó nấm lây lan dần đến phần thân cây phía trên làm chảy nhựa, cây không phát triển.
-Ở thân, cành: Chảy nhựa trên bề mặt vỏ thân, vết bệnh ướt và nhựa có màu nâu. Vỏ thân và gỗ bên dưới bị chuyển sang màu hồng nhạt, có bớt tím, viền gợn sóng, bệnh lan dần vào bó mạch. Khi cạo lớp vỏ bị bệnh ra thấy phần gỗ có màu nâu sẫm dọc theo thân, cành.
-Trên lá: Đầu tiên là những đốm đen nâu nhỏ trên mặt lá và lan rất nhanh, lá chuyển màu vàng và rũ xuống, sau đó vài ngày lá chuyển thành màu nâu, lá bị nhũn rồi khô dần và rụng theo từng cành hay một phía của cây.
- Bệnh đốm lá do nấm Phomopsis
Nấm Phomopsis thường tấn công vào giai đoạn cây non. Khi mắc bệnh, cây thường nổi đốm màu vàng giữa lá làm cây chậm phát triển, lâu dần các đốm vàng đó sẽ lan rộng và khiến lá cây bị rụng.
- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides
Bệnh thán thư thường gây hại nặng trong mùa mưa và bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra.
Bào tử nấm sẽ lan truyền bằng cách bay theo gió hoặc qua nước tưới tiêu trong vườn và truyền bệnh sang cây khác.
Bệnh thán thư gây hại phổ biến trên lá, lúc đầu vị trí vết bệnh sẽ xuất hiện ở phần đuôi lá hoặc mép lá, sau đó lan dần vào phía trong lá, tạo những đốm bệnh lõm có viền nâu sẫm. Đặc biệt, bệnh thán thư còn gây khô bông và làm rụng trái non, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất sầu riêng.
- Bệnh thối trái (bệnh nấm trái) do nấm Phytophthora palmivora
Nguyên nhân bệnh này do nấm Phytophthora palmivora gây ra, bệnh hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái, nhất là vào mùa mưa. Vào những ngày thời tiết lạnh, ẩm độ cao những sợi nấm bệnh màu trắng sẽ bao phủ vết bệnh như mạng nhện. Nếu bệnh nặng sẽ làm thối cả trái và lây lan sang các trái khác trong vườn một cách nhanh chóng.
Vết bệnh khởi đầu là một vài chấm nhỏ màu nâu đen thường xuất hiện ở vị trí dọc theo chiều từ cuống quả trở xuống xung quanh quả, sau đó phát triển thành hình tròn hay loang lổ và có màu nâu trên vỏ quả. Khi quả già vết bệnh nứt ra và phần thịt quả bên trong bị thối, có rất nhiều sợi nấm màu trắng trên vết bệnh và làm quả sầu riêng rụng trước khi chín. Bệnh thối trái không chỉ tấn công trên trái mà còn tấn công lên thân cây khiến cây đổi màu khi nhiễm bệnh nặng. Lâu ngày, vết bệnh sẽ dần chuyển sang màu nâu đỏ, thân cây nứt ra chảy nhựa vàng, bệnh còn gây ảnh hưởng đến mạch dẫn của cây làm toàn bộ lá cây chuyển màu vàng úa rồi rụng dần.
- Bệnh đốm rong do tảo (algae) Cephaleuros
Bệnh đốm rong trên cây sầu riêng do tảo (algae) Cephaleuros gây ra trên những lá cây sầu riêng đã trưởng thành, ngoài ra bệnh còn có thể gây hại cả thân và cành cây non.
Bệnh đốm rong thường xuất hiện trong điều kiện độ ẩm cao, mật độ cây dày đặc, vườn trồng rậm rạp, thiếu ánh nắng, nhiều cỏ. Ngoài ra, khi cây suy yếu, nhất là giai đoạn trước và sau thu hoạch cũng là thời cơ cho loại bệnh này tấn công.
Ban đầu vết bệnh sẽ xuất hiện trên bề mặt lá với những đốm trơn màu nâu đỏ, hơi nhô lên. Bệnh đốm rong có thể bắt nguồn từ trong tự nhiên và dễ lây lan do tảo Cephaleuros virescens ký sinh trên nhiều loại cây khác nhau vì vậy bệnh rất dễ phát triển mạnh khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi.
7. Sâu đục trái Conogethes punctiferalis
Một đối tượng gây hại nghiêm trọng trong giai đoạn hình thành và phát triển trái, ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất trái rỏ rệt đó là sâu đục trái.
Do trái sầu riêng mọc thành chùm, ngay phần tiếp giáp giữa trái này với trái kia thường hay bị sâu đục trái tấn công. Vì vậy, trên cây sầu riêng để trái dạng chùm thường bị sâu gây hại nhiều hơn so với trái dạng đơn.
Sâu gây hại từ lúc trái còn non đến khi già sắp chín, nhưng sâu hại nặng nhất là khi trái sầu riêng bắt đầu vô cơm cho tới khi trái chín. Trái bị sâu gây hại khi còn nhỏ sẽ bị biến dạng và rụng, nếu bị sâu tấn công vào giai đoạn trái đã phát triển thì sẽ làm giảm chất lượng trái.
Sâu đục trái thường đẻ trứng gần cuống của trái non, sâu non nở ra sẽ đục vào vỏ trái sầu riêng để chui vào tấn công thịt quả.
Sâu đục trái gây hại vào thịt trái sầu riêng
Sâu khi cỡ đầu nhang sẽ chui ra làm nhộng trên các lá khô để sinh trưởng và phát triển rồi lại tiếp tục tấn công quả. Đường đục sẽ là nơi cho chúng hóa nhộng, chui ra ngoài để nhả tơ kết kén ngay bề mặt gai. Chu kì này diễn ra khoảng 1 tuần.
Những trái bị sâu tấn công, tại những lỗ bị sâu đục, phân sẽ đùn ra ngoài, gặp mưa hay điều kiện ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn và nấm bệnh gây hại. Nấm bệnh gây hại nghiêm trọng thường gặp là nấm Phytophthora palmivora, gây ra bệnh thối trái trên cây sầu riêng.