Thạc sĩ BVTV Nguyễn Ngọc Liên
Cộng tác viên Kỹ thuật Cty CP Đồng Xanh
Xoài (tên khoa học là Mangifera indica L.) là một trong những loài cây ăn quả nhiệt đới quan trọng ở nước ta, được trồng phổ biến ở nhiều vùng trên cả nước để lấy quả, gỗ, làm bóng mát, cây cảnh, che phủ đất và chống xói mòn. Quả xoài khi chín thường có màu vàng, vị ngọt, thơm và giàu dinh dưỡng.
Thành phần dinh dưỡng trong 100 g xoài
Theo Viện Nghiên cứu rau quả, Viện cây ăn quả miền Nam đã xây dựng các tập đoàn giống xoài nhằm phân loại, đánh giá, tuyển chọn và lai tạo các giống có năng suất cao, phẩm chất ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng (Ngô Hồng Bình, 2015).
Một số giống xoài được trồng phổ biến ở Việt Nam như:
1. Xoài cát Hòa Lộc
Nguồn gốc: giống địa phương tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre). Giống này được công nhận cây đầu dòng theo Quyết định số 2767/QĐ/BNN/KHCN ngày 29 tháng 10 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công nhận các giống cây trồng, các biện pháp kỹ thuật mới cho phổ biến trong sản xuất ở các tỉnh phía Nam.
Xoài cát Hòa Lộc là giống xoài đặc sản được trồng nhiều ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xoài cát Hòa Lộc có trọng lượng trung bình từ 400 – 700gr. Trái có hình thuôn dài, bầu phình ở phần cuống quả, đầu quả nhọn và eo quả lõm vào trong, Khi chín thì vỏ xoài sẽ dần dần chuyển sang màu vàng nhạt và xuất hiện nhiều đốm nâu đen li ti. Phần thịt của xoài khá chắc, vàng ươm, ít xơ, ngọt đậm và mịn. Chất lượng quả xoài cát Hòa Lộc được xếp đứng đầu, ăn rất ngon.
Cây sinh trưởng trung bình, cành mọc xiên, tán cây dạng hình tháp. Lá hình lưỡi mác thuôn dài, đuôi lá nhọn, mép lá hình gợn sóng. Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long rất ưa trồng giống này vì bán được giá cao. Đây là giống xoài quý nhưng khó điều khiển ra hoa trái vụ, vỏ quả mỏng nên khó vận chuyển. Ngoài ra giống này còn được trồng ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hình 1. Quả xoài cát Hòa Lộc
2. Xoài Cát Chu
Nguồn gốc: giống địa phương tại Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp và trồng phổ biến tại tỉnh này và tỉnh Tiền Giang. Dòng Cát Chu CD2 do Trung tâm Cây ăn quả Long Định (nay là Viện Cây ăn quả miền Nam) tuyển chọn, có năng suất cao, chất lượng tốt và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cây đầu dòng theo Quyết định số 2767/QĐ/BNN/KHCN ngày 29 tháng 10 năm 1997.
Cây sinh trưởng khỏe, có tán dạng tròn, đâm cành ngang, tán lá dày. Lá thuôn hình lưỡi mác, phiến lá dày, phẳng, đuôi lá hơi cụt, ngắn, mép lá hơi gợn sóng. Xoài Cát Chu dễ ra hoa đậu quả. Quả có dạng thuôn, đầu quả tròn, cuống quả nhô cao, quả khi già có nhiều chấm to dạng bất định. Trọng lượng quả trung bình 300 – 400g.
Hình 2. Xoài Cát Chu
3. Xoài Thơm
Xoài Thơm cũng được trồng nhiều ở tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Đặc điểm cây sinh trưởng mạnh, cành mọc xiên, tán cây hình dù. Lá dài, phiếu lá dầy, đuôi lá nhọn.
Quả hơi dài và dẹt, đuôi quả nhọn, trọng lượng quả trung bình 200 – 250 g, vỏ quả xanh thẫm (Thơm đen) hay xanh nhạt (Thơm trắng). So với xoài Cát, xoài Thơm cho năng suất khá cao và ổn định qua các năm.
Hình 3. Xoài Thơm
4. Xoài Bưởi (còn gọi là xoài Ba Mùa Mưa)
Giống xoài Bưởi có xuất xứ vùng Cái Bè (Tiền Giang), trồng phổ biến ở Tiền Giang và Đồng Tháp. Cây trồng bằng hạt, sinh trưởng khỏe, cành mọc xiên, tán cây hình dù. Lá rộng và dài, phiến lá mỏng, đuôi lá hơi cụt. Quả gần giống xoài cát nhưng nhỏ hơn. Quả trọng lượng trung bình 300 – 350g. Quả hình thuôn dài, đuôi quả hơi nhọn. Vỏ quả dày nên có thể vận chuyển đi xa dễ dàng. Mùi “nhựa thông” của quả giảm dần khi tuổi càng già. Xoài Bưởi phẩm chất kém hơn xoài Cát, thịt quả nhão khi chín, ngọt vừa phải và có mùi nhựa thông.
Hình 4. Xoài Bưởi
5. Xoài Thanh Ca
Xoài Thanh Ca được trồng nhiều ở An Giang, Đồng Tháp và rải rác ở các tỉnh Cần Thơ, Bình Định, Cam Ranh (Khánh Hòa), Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh), được trồng xen trong vườn cây ăn quả và vườn xoài ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Hình 5. Xoài Thanh Ca
Cây sinh trưởng trung bình, cảnh mọc ngang, tán cây tròn. Lá hẹp và dài, phiến lá dày. Quả hình trứng dài, trọng lượng trung bình 250 – 300 g/quả, vỏ quả màu vàng tươi, rất bóng nên hấp dẫn. Thịt quả màu vàng đỏ, ít xơ, thịt quả mịn, ăn ngon và thơm. Xoài Thanh Ca là một trong những giống xoài ngon được người tiêu dùng ưa thích. Đặc biệt cây có nhiều đợt quả trái vụ trong năm nên có giá trị kinh tế khá cao.
6. Xoài Tượng
Xoài Tượng có quả to nhất trong các giống xoài ở Việt Nam. Quả nặng trung bình từ 700 – 800 g. Quả chín màu vàng nhạt ửng xanh, trơn bóng, thịt quả màu vàng nhạt, ít xơ, ít nước, ăn không ngọt bằng xoài Cát và Thanh Ca, vị nhạt, hơi chua, có mùi nhựa thông. Theo tập quán của người tiêu dùng thường dùng quả già để ăn sống, quả lúc này có vị chua ngọt, giòn, nhiều bột.
Hình 6. Xoài Tượng
7. Xoài Cát Bồ Trắng
Đây là giống địa phương, trồng nhiều ở Khánh Hòa, được Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (nay là Viện Nghiên cứu Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ) tuyển chọn.
Hình 7. Xoài Cát Bồ Trắng
Cây sinh trưởng khỏe, dạng tán hình mâm xôi. Cây 20 năm tuổi cao trung bình 9m, đường kính tán 10-13m. Tỷ lệ chồi ra hoa cao (trên 80%). Chùm hoa dài, khỏe, khi hoa nở màu trắng sữa, số quả thu hoạch trung bình 2,8 quả/chùm. Quả hình thuôn tròn. Trọng lượng trung bình 700g/quả. Khi chín vỏ quả màu vàng tươi, thịt quả màu vàng tươi, thịt quả mịn hơi chắc, hương thơm, ít xơ, tỷ lệ thịt quả cao (85%), hạt lép.
8. Xoài ăn xanh DONA
Giống xoài ăn xanh DONA là giống nhập nội, có nguồn gốc từ giống xoài ăn xanh Khiêu-sa-vơi của Thái Lan do Công ty Phát triển công nghệ sinh học DONA – TECHNO tuyển chọn và trồng khảo nghiệm từ năm 1997 tại Tiền Giang và Đồng Nai. Hiện nay, giống xoài này được trồng phổ biến tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Cây sinh trưởng khỏe, tán cây hình tròn, lá dài, phiến lá dầy, đuôi lá nhọn, mép lá hơi gợn sóng.
Quả dạng thuôn dài, hơi uốn cong phần lưng, đuôi quả tròn. Trọng lượng quả trung bình 300 – 350 g/quả. Vỏ quả nhẵn, màu xanh đậm, thịt quả màu trắng ngà, ít xơ, mịn. Chất lượng quả tốt, thường dùng ăn xanh giòn.
Hình 8. Xoài ăn xanh DONA
9. Xoài Ấn Độ lai
Đây là giống địa phương, trồng nhiều ở Khánh Hòa, được Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (nay là Viện Nghiên cứu Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ) tuyển chọn. Cây sinh trưởng khỏe, dạng tán hình mâm xôi. Tỷ lệ chồi ra hoa cao (trên 80%). Chùm hoa dài, khỏe, khi hoa nở màu trắng sữa, số quả thu hoạch trung bình 2,1quả/chùm. Quả hình thuôn tròn. Trọng lượng trung bình 700g/quả. Khi chín vỏ quả màu đỏ hồng, thịt quả màu vàng tươi, mịn hơi chắc, hương ngọt thanh, ít xơ, tỷ lệ thịt quả cao (78%), hạt lép.
Hình 9. Xoài Ấn Độ lai
10. Xoài Đài Loan (Yellow Gold)
Giống này được Viện Cây ăn quả miền Nam nhập từ Đài Loan năm 1997, được trồng tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ. Cây sinh trưởng khỏe, tán cây hình dù. Lá hình thuôn dài, phiến lá dầy, đuôi lá nhọn, mép lá hơi gợn sóng. Quả dạng rất dài, đuôi quả nhọn. Trọng lượng quả trung bình 600 – 700 g/quả. Vỏ quả màu xanh đậm. Tỷ lệ phần ăn được khoảng 80 – 82%. Thịt quả màu vàng, ít xơ, mịn, ngọt. Khi ăn xanh thịt quả giòn và chắc, vị ngọt, hơi chua.
Hình 10. Xoài Đài Loan
11. Xoài Úc:
Xoài Úc trái khi lớn có màu hơi ủng đỏ gần cuống. Ăn chín và ăn sống đều ngon. Xoài Úc ghép cho trái to, trọng lượng trung bình 0,7kg/trái. Trong điều kiện chăm sóc tốt, trái xoài đạt trọng lượng 0,8- 0,9 kg, thậm chí 1,5 kg. Ngoài trái lớn, xoài úc có những ưu điểm như tỷ lệ đậu trái cao, màu sắc quả đẹp (ửng đỏ như đào), hạt nhỏ, tỷ lệ xơ thấp, độ ngọt cao, cơm khi chín dẻo, vỏ dày, những đặc điểm cho phép bảo quản lâu và xuất khẩu. Đặc biệt, xoài có mùi thơm đặc trưng.
Giống xoài Úc trồng tại Việt Nam sẽ thu hoạch từ tháng tư đến tháng sáu.Giá xoài Úc những năm gần đây khá ổn định, cao hơn giá xoài khác 2-3 lần, vào chính vụ (tháng 6 âm lịch) giá tại vườn có thể đạt 40 ngàn đồng/kg.
Hình 11. Xoài Úc
12. Xoài Keo:
Một trong các loài xoài được khá nhiều người yêu thích nhất để lắc đó là xoài keo. Cây xoài keo có nguồn gốc từ Campuchia nhưng sau đó vì có hương vị khá ngon và độc đáo nên được người dân tại tỉnh biên giới nhân giống và phát triển đem về Việt Nam. So với các giống xoài khác thì loại xoài này có hình dạng khá lạ. Trái màu xanh thường có phần eo khá nhỏ và thu gọn dần về đầu trái. Trong khi đó thì phần đuôi của trái xoài keo thường to tròn nhưng vẫn có độ cong đẹp mắt trên thân có nhựa dính giống keo, khi chín chuyển sang ngả vàng, có xơ, không ngọt lắm nên thường xoài keo được người ta ưa ăn sống nhiều hơn.
Loại xoài này đặc biệt phù hợp với mọi đối tượng bởi tương đối dễ ăn. Nhờ vị chua và giòn nên xoài keo được xem như là lựa chọn đầu tiên khi làm gỏi, xoài lắc hoặc có thể chế biến cùng các món nộm, salad, hay ăn sống cùng mắm ruốc, muối tôm cực kỳ ngon./.
Chỉnh sửa, phê duyệt
Tháng 10/2023
Nguyễn Văn Đức Tiến